Sống trên đời xởi lởi thì trời cho, còn giành giật, ganh ghét lẫn nhau, so đo từng chút một thì dễ mất nhiều hơn được.
1. Ganh ghét, tìm mọi cách hạ bệ nhau là hành vi của kẻ thiển cận
Người ta có câu: Việc được, thì gièm pha nổi lên. Đức cao, thì chê bai kéo đến. Khi đầy lòng ghen tị, người ta chê bai mọi thứ, dù tốt hay xấu.
Con người có tầm nhìn càng thiển cận thì lại càng có xu hướng hay ghen tỵ với thành công của người khác, thậm chí “không ăn được thì đạp đổ”, cố tình phá đám, tranh đoạt lợi ích, cuối cùng dẫn đến kết cục thảm hại cho cả người cả ta.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:
Tại một quốc gia xa xôi, một người đàn ông may mắn tìm thấy cây đèn thần kỳ diệu. Khi vị thần hiện lên trước mắt, Ngài đã ban cho anh ta một ước vọng nhưng với điều kiện rằng, anh ta ước bất cứ điều gì thì người hàng xóm của anh ta sẽ đạt được gấp đôi.
Nghe vậy, người đàn ông lập tức nghĩ: “Thật vô lý. Rõ ràng là điều ước của mình, tại sao lại khiến hàng xóm được lợi hơn cả cơ chứ? Nếu bây giờ mình ước sở hữu 1 tỷ, vậy là hắn ta bỗng dưng lại có tận 2 tỷ à? Không thể để như thế được!”
Thế là, sau một hồi suy nghĩ, anh ta bèn nói: “Tôi muốn Ngài biến 1 con mắt của tôi bị mù!”
Không phải tự dưng mà người xưa dạy ta rằng: “Xởi lởi thì trời cho, bo bo thì trời hành.”
Kẻ thiệt thòi nhất trên đời là kẻ không bao giờ nguôi lòng đố kỵ. Anh ta không thể chấp nhận sự thành công của người khác, không thể chấp nhận người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Do đó, họ nảy sinh suy nghĩ phải tìm mọi cách để giẫm đạp và hạ thấp đối phương. Cuối cùng, nhận về kết quả “lợi bất cập hại”.
Trái tim lành mạnh là sức sống của thân thể, còn lòng ghen tỵ là ung thư ăn mục tới xương. Tự cổ chí kim, đại đa số tai ương đều bắt nguồn từ căn bệnh quái ác này.
Trong thời Chiến quốc, Bàng Quyên lấy lòng tiểu nhân để đo dạ quân tử, lúc nào cũng thấy Tôn Tẫn có tài hoa vượt xa mình, sợ bị cướp mất vinh quang tại Ngụy quốc, bèn bày kế để hãm hại, ghép hắn vào tội phản quốc.
Để thoát thân, Tôn Tẫn bắt buộc phải giả điên. Trong một lần gặp gỡ sứ giả nước Tề, ông mới tìm cơ hội bộc lộ tài năng, được cứu sang Tề quốc, rồi giành được sự tin tưởng của Tề Vương.
Sau này, nhiều lần gặp nhau trên chiến trường, lần nào Tôn Tẫn cũng nghĩ ra những chiến lược xuất sắc, đánh cho Bàng Quyên thất bại nặng nề, thậm chí phải tự sát bỏ mạng trước trận địa hàng trăm mũi tên. Cuối cùng, chính sự ganh ghét đã đẩy đôi bạn thân cùng chung sư môn trở mặt thành thù, tương tàn lẫn nhau.
Có thể thấy, chỉ những kẻ thiển cận, tầm nhìn hạn hẹp mới dùng lòng ganh ghét làm gạch đá, xây tường chắn lối người tài. Họ không ngờ, bức tường đó cũng trở thành vật ngăn cách chính mình tới với thành công.
Con người chỉ biết giẫm đạp và hạ bệ lẫn nhau thì muôn đời chỉ kéo nhau đi xuống, mãi mãi không thể vươn lên tầm cao.
2. Người khôn ngoan thúc đẩy và nâng đỡ lẫn nhau, cùng đạt nên thành tựu
Có câu rằng: “Giỏi một người không được, chăm một người không xong”
Sức mạnh của một người là hữu hạn. Dù người đó có giỏi giang hay chăm chỉ đến mấy, họ cũng không thể gánh cả bầu trời. Chỉ có sức mạnh đoàn kết nhất trí đến từ một tập thể gắn kết lẫn nhau mới tạo nên sức mạnh ngăn cơn sóng dữ, đạt tới thành công.
Do đó, người thông minh luôn biết cách sống thế nào để vừa giúp đỡ nhau vừa cùng đồng hành, con đường mà họ chinh phục sẽ ngày càng rộng mở.
Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn. Chỉ khi mọi người biết cách chung tay hợp tác, công việc mới thêm phần thuận lợi, kết quả thêm phần khả quan. Như vậy, chúng ta mới có thể tiến xa hơn và đứng cao hơn.
Lấy chữ Hòa, chữ Nhẫn làm trọng, coi đường đời không có kẻ thù, tất cả đều có thể chung tay hợp tác. Đây cũng là đạo làm người mà Tư Mã Ý luôn tâm đắc cho mình.
Trước Gia Cát Lượng, đối thủ mà Tư Mã Ý nhiều lần phải đương đầu chính là Dương Tu, người phò tá cho Tào Thực – em trai và là đối thủ cạnh tranh ngôi vị thế tử với Tào Phi.
Cả đời Dương Tu đều căm hận Tư Mã Ý, luôn tìm mọi cách đẩy ông vào chỗ chết, nhưng bản thân Tư Mã Ý lại không mảy may thể hiện sự tức giận của mình. Thậm chí, trước khi Dương Tu bị Tào Tháo xử chết, ông còn mang rượu đến khóc tiễn Dương Tu.
Tào Tháo thấy vậy mới hỏi lý do, Tư Mã Ý bèn nói rằng: “Thần trước giờ không có kẻ địch, chỉ nhìn thấy bạn bè và những người thầy”.
Tào Tháo sau khi nghe xong, trong lòng càng thêm nể trọng Tư Mã Ý.
Qua đó, chúng ta nhận ra rằng, kẻ mưu cầu việc lớn sống sẽ có tầm nhìn cao, từ đó mới vượt qua lòng ghen tỵ cấp thấp, nhìn thấu đạo lý lớn về đối nhân xử thế và học hỏi lẫn nhau được ẩn giấu đằng sau.
Khi chúng ta đối xử nhân nghĩa với 100 người, ít nhất sẽ có 1 người sẵn sàng chìa tay, giúp đỡ hết lòng khi ta gặp khó khăn. Bằng cách này, cái thiện được lan tỏa, bạn không chỉ giúp người, mà cũng là giúp chính mình trong tương lai.
Ở rất nhiều thời điểm, khi bạn bắc cầu cho người khác, đồng thời, bạn cũng đang mở đường cho chính mình, giống như Les Brown đã nói: “Help others achieve their dreams and you will achieve yours” (Giúp người khác dành được giấc mơ của họ, và bạn sẽ đạt được giấc mơ của mình).
03. Làm người nên có lòng độ lượng
“Hãy giúp những người trẻ tuổi. Hãy giúp những người nhỏ bé. Bởi vì những người nhỏ bé sẽ trở nên lớn lao. Những người trẻ tuổi sẽ giữ những hạt giống bạn gieo trong tâm trí họ, và khi trưởng thành, họ sẽ thay đổi thế giới.”
Đó là những lời mà tỷ phú Jack Ma từng nói.
Làm người sống không có tấm lòng độ lượng, không có tầm nhìn thì dù năng lực cao đến mấy cũng sẽ chạm tới giới hạn. Trong khi những người khác biết cách đoàn kết và chung sức, cùng nâng đỡ nhau vươn lên, có thể dễ dàng chạm tới một tầm cao hoàn toàn khác biệt.
Làm người sống chỉ biết tính toán và so đo thì chỉ thấy cái lợi trước mắt, tranh đoạt lẫn nhau đến nỗi đầu rơi máu chảy, vừa thiệt người vừa hại mình. Trong khi người khác biết lấy thế mạnh người này bù đắp cho người kia, tổng hợp thành năng lực toàn diện nhiều mặt, bảo vệ lẫn nhau, ngày một mạnh mẽ.
Xem thêm các bài viết của Mai Bá Phúc:
Nghịch Lý: Người Sống Càng Toan Tính, Sự Nghiệp Càng Phải Chịu Nhiều Thiệt Thòi
Bài học từ Tam Quốc: Tuổi trẻ nhìn xa, tuổi trung niên trông rộng, về già thấy mà “như không”