Người tiêu dùng ngày càng có nhiều thông tin về hàng hóa đến mức họ không thể xử lý hết để có thể lựa chọn được đúng thứ mình cần. Trong trường hợp này, tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho nhãn hiệu của mình là một thách thức lớn đối với mỗi doanh nghiệp. Theo các chuyên gia xây dựng nhãn hiệu, có ba yếu tố then chốt tạo nên lợi thế cạnh tranh cho nhãn hiệu là tầm nhìn, tính sáng tạo và sự tương thích giữa hai yếu tố này.
Tầm nhìn
Kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Kết quả là nhiều doanh nghiệp đang nhận ra tầm quan trọng của việc phác thảo một tầm nhìn rộng hơn, xa hơn và có sức thu hút hơn cho nhãn hiệu của mình trong tương lai. Cơ hội chỉ thật sự đến với những doanh nghiệp biết được mình là ai, đang ở đâu, nhãn hiệu của mình thể hiện những giá trị gì và sẽ đi về đâu. Tầm nhìn là một xuất phát điểm rất quan trọng để doanh nghiệp xây dựng những chiến lược tiếp thị đúng hướng và đảm bảo cho thành công trong kinh doanh.
Tính sáng tạo
Thị trường ngày càng rộng lớn hơn nhưng cũng càng trở nên chật chội hơn do sự xuất hiện liên tục của những đối thủ cạnh tranh mới. Trong bối cảnh đó, chỉ có những nhãn hiệu không ngừng sáng tạo để tìm ra những cách phục vụ khách hàng tốt hơn mới được giới tiêu dùng nhận biết cao và nhờ đó mà tồn tại lâu dài. Tính sáng tạo chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, là lợi thế cạnh tranh cho nhãn hiệu trong cuộc đua chinh phục khách hàng hiện nay.
Tính sáng tạo là kết quả của một quá trình nghiên cứu và phát triển hoặc sự triển khai thành công những ý tưởng đột phá. Để vượt qua các đối thủ cạnh tranh, các nhà quản trị phải đầu tư theo hai hướng này nhằm nuôi dưỡng sức sáng tạo của doanh nghiệp. Thị trường sẽ không có chỗ cho những doanh nghiệp chỉ biết máy móc làm theo cách làm của doanh nghiệp khác. Thực tế cho thấy các công ty hàng đầu thế giới luôn phải nỗ lực đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho quá trình sáng tạo ra những giá trị mới cho sản phẩm và dịch vụ của họ.
Sự tương thích
Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường thương mại điện tử. Theo xu hướng này, các kênh quảng bá sản phẩm dịch vụ truyền thống đang mất dần ưu thế trước các kênh trực tuyến và các mạng truyền thông xã hội. Để tạo ra sự kết nối với khách hàng trên thế giới ảo, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ những luật chơi riêng.
Các doanh nghiệp đang đứng trước một thách thức ngày một lớn là phải làm cho tầm nhìn của nhãn hiệu phù hợp với những cái mới trong sản phẩm hay dịch vụ của mình mà vẫn gắn bó với khách hàng và được khách hàng đánh giá cao để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nhãn hiệu. Các giám đốc quản lý nhãn hiệu phải tạo ra được những giá trị thật sự cho khách hàng và truyền thông xã hội được xem là một môi trường lý tưởng để họ thực hiện điều đó. Trở thành một người bạn chân thành và đáng tin cậy của khách hàng là phải được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất trong mọi hoạt động tiếp thị.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp luôn gánh chịu nhiều áp lực trong việc hoàn thành những mục tiêu ngắn hạn, nhưng nếu tập trung chạy theo những kết quả trước mắt thì doanh nghiệp sẽ tự trói năng lực sáng tạo của mình và trở nên tụt hậu, chứ không thể đi đầu trong việc đưa ra thị trường những sản phẩm hoặc dịch vụ mới và từng bước thống lĩnh thị trường.
>> Xem thêm: