Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản: Đã Có, Nhưng Chưa Tương Xứng - Mai Ba Phuc

Xây Dựng Thương Hiệu Nông Sản: Đã Có, Nhưng Chưa Tương Xứng

| Kiến thức marketing thương hiệu

Dù là quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu “top” đầu thế giới, song việc xây dựng thương hiệu, tên tuổi nông sản vẫn chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm.

Thuong-hieu-nong-san

Đã làm, nhưng chưa đủ

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) – tiền đề cho xây dựng thương hiệu, vị thế của nông sản Việt  Nam, đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ:

Đến nay, cả nước có 61/63 UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); đã có 31 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 1.640 sản phẩm OCOP của 937 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đề xuất 5 sao; 590 sản phẩm đạt 4 sao và 1.030 sản phẩm đạt 3 sao…

Nhìn chung, ở cấp địa phương và doanh nghiệp, đã có sự quan tâm, chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo hộ tên gọi chỉ dẫn địa lý, nhãn mác sản phẩm đối với các sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt và có tính hàng hóa cao (đặc sản vùng miền).

Cụ thể, đối với trái cây, các địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm vùng miền như khu vực Bắc bộ có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); khu vực đồng bằng sông Cửu Long có chôm chôm chợ Lách, bưởi Da xanh (Bến Tre), Xoài cát Hòa Lộc, Xoài Cát Chu (Đồng Tháp), Quýt đường (Trà Vinh)…

Đối với thủy sản, một số sản phẩm truyền thống của địa phương đã xây dựng chỉ dẫn địa lý như: Nước mắm Phú Quốc, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long…

Thương hiệu nông sản được nâng giá trị

Theo ý kiến của người tiêu dùng, để nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam, không chỉ cần chú trọng chất lượng sản phẩm, mà còn cần chú trọng cách thức bao gói, chất liệu bao gói theo tiêu chí sống “xanh” để bảo vệ môi trường.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 3T nông sản Cao Phong (3T Farm) tại khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong cho biết: Sản phẩm “Cam – Quà tặng cao cấp 3T farm” là dòng sản phẩm bán chạy của 3T Farm hiện nay. Dù có giá 450.000 đồng/hộp 12 quả, nhưng vẫn được thị trường đón nhận.

Thuong-hieu-nong-san

Cam 3T được chăm sóc theo hướng hữu cơ với quá trình rất khắt khe, chọn lọc kỹ khi thu hoạch, chỉ có khoảng 8 – 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng đạt. Sau khi phân loại, cam sẽ được đưa vào xưởng rửa sạch, chiếu đèn cực tím để khử trùng và được dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả trước khi đóng gói bán ra thị trường.

Một số mặt hàng thực phẩm OCOP như chả mực Hạ Long, khâu nhục của bà con miền núi, miến dong Quảng Ninh, mật ong hoa rừng Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên… đã chú trọng đến xây dựng thương hiệu và kết nối với người tiêu dùng.

Theo ông Đặng Đức Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiến lược bài bản xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xuất khẩu nông sản.

Thuong-hieu-nong-san

Để làm được việc này, nhà nước cần sớm bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam đối với hàng hóa nông sản theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý… đối với nông sản xuất khẩu chủ lực; nhân rộng mô hình sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP…, bởi hiện nay, xây dựng thương hiệu cho nông sản còn chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm.

Xem thêm các bài viết của Mai Bá Phúc:

Call Now