Khi bạn còn nhỏ, có lẽ cha mẹ hay ông bà từng bảo bạn “Đừng bỏ cuộc!”. Khi bạn trở thành doanh nhân hay là người hoạt động chuyên nghiệp, bạn thường được khuyến khích rằng nên bền chí khi đối mặt khó khăn. Lời khuyên này chỉ đúng phân nửa. Sự bền chí chỉ tốt khi bạn đang đi đúng đường, còn ngược lại, nó trở thành bướng bỉnh, can đảm dừng lại đúng lúc mới là thông minh.
Trong một bài viết, Tim Harford – nhà kinh tế học và nhà báo người Anh đã nhìn sâu vào ranh giới mong manh giữa sự bền chí và bướng bỉnh. Thật ra, chúng ta thường không thể từ bỏ khi chúng ta thật sự, thật sự nên từ bỏ. Những cuộc nghiên cứu từ việc cá độ bóng đá, cách cư xử của những thí sinh dự thi game show ở Anh cho đến việc phân tích khi nào thì họ bán nhà và cổ phiếu đều cho cùng một kết luận như vừa nêu.
Đây là một khuynh hướng được khám phá bởi nhà tâm lý học đoạt giải Nobel Daniel Kahneman và các đồng sự của ông. Khuynh hướng này được biết đến như là “sự không thích mất mát”. Nói nôm na là “con cá mất là con cá to”. Một người mất 100 USD thì sẽ mất niềm vui nhiều hơn nếu so với sự vui thích mà một người thắng 100 USD có được. Điều này có thể dẫn chúng ta đến việc bướng bỉnh bám theo những quyết định tồi tệ vì chúng ta ghét dừng cuộc chơi khi đang ở phía sau.
Vậy làm sao để biết rằng khi nào bền chí thì tốt và ngược lại khi nào can đảm dừng là sáng suốt hơn? Thật sự là không có một phương pháp chắc chắn để biết khi nào thì bạn cần buông lá bài của mình nhưng có một vài hướng dẫn hữu ích có thể giúp bạn phân biệt các tình huống.
Bỏ qua các chi phí chìm (sunk costs)
Đây là một điều rất khó khăn nhưng khi bạn đang cân nhắc có nên tiếp tục hay không thì hãy cố gắng hết sức để không nghĩ đến việc bạn đã mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho việc đầu tư này. Một việc thất bại là một việc thất bại dù bạn đã phí 1 USD hay 10.000 USD. “Bỏ qua những chi phí chìm và hướng về tương lai” – Đấy là lời khuyên của nhà kinh tế học Tim Harford.
Sự bền chí linh hoạt
Bám chắc một nguyên tắc chung hay một mục tiêu tối thượng không giống với việc quá cứng nhắc với một kế hoạch chính xác từng bước một.
Một ví dụ mà chúng ta có thể tham khảo là với gia đình của Angela Duckworth – một nhà tâm lý học người Mỹ, tác giả quyển Grit: The Power of Passion and Perseverance (Bền chí: Sức mạnh của sự Đam mê và Kiên trì) vừa được phát hành vào tháng 5-2016 và có mặt trong danh sách bestseller của New York Times.
Gia đình này đã lập ra một nguyên tắc đối mặt với thử thách cho những đứa con: Những đứa trẻ được chọn một hoạt động mình yêu thích như âm nhạc hay điền kinh, các sở thích đòi hỏi phải tận hiến và luyện tập. Những đứa trẻ được phép từ bỏ nhưng chỉ ở “một điểm dừng tự nhiên” và khi chúng tìm được một “thử thách mới”.
Hãy xem việc ra quyết định như những cuộc thực nghiệm
Dĩ nhiên là một người nào đó có thể can đảm dừng cuộc thực nghiệm của mình quá sớm hoặc bền gan trì chí quá lâu. Nhưng điều gì là giá trị của việc nhìn sự chọn lựa của bạn qua lăng kính này?
Những cuộc thực nghiệm luôn đến để dạy chúng ta một điều gì đó. Bạn có thể tự hỏi mình: Tôi đã học được điều gì? Và điều gì mà tôi vẫn còn đang phải học? Nếu một dự án hay một hoạt động mới vẫn đang dạy cho chúng ta những điều mới mẻ thì có lẽ nó đáng để tiếp tục – thậm chí nếu như những bài học đôi khi khá là đau thương.
Còn bạn có ý tưởng gì để chúng ta có thể can đảm dừng khi cần? Hãy cùng Mai Bá Phúc chia sẻ những điều tốt đẹp nhé. Chúc các bạn thành công
Xem thêm: