Một đặc tính tuyệt vời của não bộ là nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ đưa ra câu trả lời. Đó là lý do vì sao việc đặt câu hỏi đúng rất quan trọng.
Trong hai thập niên qua, Gerhard Gschwandtner – nhà sáng lập, CEO của công ty truyền thông đa kênh Selling Power – đơn vị sản xuất tạp chí cùng tên dành cho các giám đốc bán hàng, đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu về tư duy của người thành công và phương pháp để có thể “sao chép” chúng.
Nhờ quá trình nghiên cứu đó, Gschwandtner đã khám phá ra một mô hình hấp dẫn và hữu ích, cho thấy cách niềm tin và xu hướng tư duy tác động đến hành động của mỗi người.
Mô hình tư duy kim tự tháp
Theo Gschwandtner, não bộ con người hoạt động như một chiếc kim tự tháp, với những niềm tin, tư duy tồn tại ở 3 cấp độ:
- Tư duy được “cấy” vào
Đây là những tư duy được bạn hấp thu từ môi trường xung quanh, như văn hóa bản địa, những người gần gũi (cha mẹ, người thân…). Vài trong số những tư duy này hữu ích và đúng đắn; ngược lại, số khác có thể gây hại cho bạn.
So sánh việc tiếp nhận tư duy này với việc “chỉ tưới nước cho hoa, và đừng chăm sóc cỏ dại”, Gschwandtner cho biết, điểm mấu chốt là bạn phải chọn tiếp thu những điều đúng đắn và nói “Không” với những kinh nghiệm bất hợp lý.
Lấy ví dụ, vị CEO cho biết, người cha quá cố của ông tin rằng, Gschwandtner có thể làm bất cứ điều gì nếu dồn hết tâm trí cho nó. Nhưng, cũng giống như những người ở thế hệ cũ khác, cha của Gschwandtner có tư tưởng phân biệt chủng tộc, dù chỉ theo một cách khá thầm lặng.
“Tôi đã tiếp thu quan điểm sống tích cực và từ chối tư tưởng phân biệt chủng tộc của ông”, Gschwandtner nói.
- Tư duy được ghi dấu lại
Đây là cấp độ cao nhất của những tư duy được “cấy” vào não. Chúng được tạo ra khi bạn có ấn tượng đặc biệt về một người hướng dẫn hoặc một người thầy giỏi.
Những kinh nghiệm này hoàn toàn có khả năng thay đổi cuộc đời bạn. Ví dụ, một số người đã thay đổi hẳn cách sống, cách nghĩ chỉ nhờ vào một buổi trò chuyện, sau khi đọc một quyển sách hoặc nghe một bài phát biểu.
- Tư duy từ cảm hứng
Cấp độ cao nhất của mô hình kim tự tháp này là những tư duy được tạo ra từ nguồn cảm hứng. Những tư duy này còn mạnh mẽ hơn cả những kinh nghiệm từ môi trường sống, hoặc một số bài học từ những người có tác động lớn đến cuộc đời bạn.
Tất cả chúng ta luôn có điều gì đó rất đặc biệt mà có thể được gọi là “điều kỳ diệu từ bên trong”. Đó có thể là tài năng nào đó mà chúng ta luôn muốn bộc lộ ra bên ngoài, hoặc những ước mơ giúp chúng ta khám phá ra hướng đi mới cho cuộc đời.
Thách thức ở đây là phải phân biệt được đâu là những tư duy giúp cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn.
Đặt những câu hỏi đúng để nâng cao hiệu suất làm việc của não
Một đặc tính tuyệt vời của bộ não con người là, nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ đưa ra câu trả lời. Đó chính là lý do vì sao việc đặt câu hỏi đúng rất quan trọng.
Tận dụng “nguyên lý” này, việc áp dụng những câu hỏi đúng sau đây sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn cho cả 3 cấp độ tư duy nêu trên, từ đó tăng cường hiệu suất làm việc của não:
– Những câu hỏi cho cấp độ 1:
Tư duy nào từ thời thơ ấu của tôi đã được chứng minh là hữu ích nhất?
Tư duy nào từ thời thơ ấu đã cản trở sự tiến bộ của tôi nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để củng cố, tăng cường tư duy hữu ích nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để loại bỏ những tư duy sai lệch?
– Cấp độ 2:
3 quyển sách nào tác động đến tôi nhiều nhất?
3 kinh nghiệm nào đã cho tôi những bài học hữu ích nhất?
Giờ đây tôi có thể làm gì để tăng cường sức ảnh hưởng của những tư duy đã tiếp thu?
3 người hướng dẫn nào phù hợp nhất (tác giả sách, chuyên gia, nhà tư vấn…) sẽ giúp tôi hoàn thành những mục tiêu hiện tại?
– Cấp độ 3:
Điều gì tôi có thể làm và tin rằng mình không thể thất bại?
Điều gì đang níu giữ, khiến tôi không thể vực dậy và làm theo nguồn cảm hứng của mình?
Những lĩnh vực nào trong cuộc sống cá nhân có thể hướng tôi đến nguồn cảm hứng đó?
Kế hoạch nào giúp tôi hiện thực hóa nguồn cảm hứng đó?
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn
Xem thêm các bài viết liên quan của Mai Bá Phúc