Thời điểm hiện tại, nhà sáng lập công ty này là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 28 tỷ USD.
Tuy doanh số bán hàng không bằng Coca-Cola, Pepsi hay Starbucks nhưng Red Bull vẫn là một thương hiệu đồ uống mang tính biểu tượng. Vậy làm thế nào để một công ty chỉ bán một sản phẩm duy nhất lại thành công đến thế? Đâu là bí quyết giúp các chiến dịch marketing của họ luôn được đón nhận?
Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin dưới đây:
Dietrich Mateschitz, giám đốc marketing người Áo của một nhà sản xuất kem đánh răng, lần đầu tiên phát hiện ra nước tăng lực trong một chuyến công tác ở Bangkok. Sau một chuyến bay dài mệt mỏi, anh chàng này đã được người dân địa phương giới thiệu thưởng thức Krating Daeng, loại đồ uống của Thái Lan có công dụng tăng cường hiệu suất và sự tập trung. Lúc đó, nước ngọt chứa caffein khá phổ biến ở Đông Á nhưng lại chưa được biết đến nhiều ở phương Tây.
Nhận thấy cơ hội kinh doanh từ sản phẩm này, Mateschitz nghỉ việc năm 1984 và hợp tác với một nhà sản xuất để tạo ra một loại nước tăng lực phục vụ thị trường châu Âu mang tên Red Bull.
Sau 3 năm kinh doanh khá chậm chạp, cuối cùng Red Bull cũng được đón nhận và trở thành một ông lớn trong ngành nước giải khát như hiện nay với doanh thu hàng năm khoảng 7 tỷ USD. Thời điểm hiện tại, Mateschitz là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 28 tỷ USD.
Tạo sự kiện độc đáo
Giống như nhiều công ty non trẻ khác, Red Bull không có đủ nguồn lực để quảng cáo trên các sự kiện truyền hình, chương trình radio hoặc biển quảng cáo ngoài trời. Thay vào đó, họ đã tạo một sự kiện độc đáo: Red Bull Flugtag. Đây là cuộc thi “chế tạo máy bay tự chế, chạy bằng sức người”, theo đó người tham gia sẽ nhảy khỏi boong tàu xuống nước bằng phương tiện của mình.
Trước sự mới lạ của sự kiện, đám đông khán giả đã tụ tập để theo dõi cuộc thi. Rất nhanh chóng, các phương tiện truyền thông bắt đầu viết về thương hiệu Red Bull. Kể từ khi bắt đầu năm 1991, Red Bull Flugtag đã trở thành một sự kiện được mong chờ bậc nhất của công ty. Năm 2012, sự kiện thu hút con số kỷ lục là 220.000 người tham gia.
Marketing “du kích”
Trong những năm đầu thành lập, Red Bull đặt các lon rỗng ở một số khu vực công cộng đông đúc như khuôn viên trường đại học, sân vận động hay câu lạc bộ đêm để tạo ấn tượng rằng nhiều người uống xong nhưng “quên” bỏ vào thùng rác. Đây được coi là cách quảng cáo khéo léo vì vừa không tốn chi phí lại vừa giúp thương hiệu được nhận diện tốt hơn. Dù chiến lược này gây tranh cãi vì giống hình thức xả rác trái phép nhưng thực tế là nó đã hiệu quả.
Trung thành với sản phẩm cốt lõi
Sản phẩm duy nhất của Red Bull là nước tăng lực. Tất nhiên, sản phẩm có nhiều hương vị khác nhau nhưng họ không mở rộng sang sản xuất sinh tốt, trà hay nước trái cây. Trong khi Coca-Cola và Pepsi luôn tìm cách đa dạng hóa sản phẩm thì Red Bull lại trung thành với những gì họ làm tốt nhất.
Ngoài ra, do thuộc sở hữu tư nhân nên Red Bull không gặp áp lực tài chính từ các nhà đầu tư trong việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận hay đa dạng hóa.
Bán câu chuyện chứ không phải sản phẩm
Các thương hiệu thành công trong việc có được lòng trung thành của khách hàng không chỉ vì tập trung vào việc tạo ra sản phẩm tốt. Hơn thế, họ đã tạo ra một câu chuyện có chiều sâu và khơi gợi cảm xúc của khách hàng.
Đối với Red Bull, đó là câu slogan quen thuộc: “Red Bull gives you wings” (Tạm dịch: Red Bull chắp cánh cho bạn). Việc tài trợ cho nhiều sự kiện thể thao hay mạo hiểm giúp công ty tăng cường hình ảnh thương hiệu, gắn liền với sự mạnh mẽ và cảm xúc phấn khích.
Dù mục tiêu cuối cùng của Red Bull vẫn là bán hàng nhưng việc tạo ra những câu chuyện đầy cảm hứng liên quan đến sự phiêu lưu đã giúp mang lại cho họ lợi thế nhất định so với đối thủ cạnh tranh. Tháng 12 năm ngoái, Forbes ước tính giá trị của Red Bull đạt khoảng 20 tỷ USD. Đến nay, công ty đã bán ra hơn 7,5 tỷ lon nước tăng lực trên toàn thế giới.
Theo Tổ Quốc
Xem thêm các bài viết của Mai Bá Phúc: