Sau 7 năm chịu án tại Mỹ, Hiếu PC trở về Việt Nam, tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành kỹ sư an ninh mạng từ thuở nhỏ.
Đó là cách HiêúPC, người từng là tên tội phạm mạng nguy hiểm nhất nước Mỹ giới thiệu về bản thân. Hiếu thừa nhận phần giới thiệu này anh đã nói đi nói lại suốt 7 năm trong những buổi thuyết trình trước hàng nghìn phạm nhân tại các nhà tù Mỹ. Hiếu xem việc kể lại sai lầm, tội lỗi của bản thân để những người khác tránh xa là một cách bù đắp những mất mát mà anh đã gây ra cho hàng trăm triệu người.
“Việc hack số an sinh xã hội từ các website Mỹ rồi bán lại không phải thứ gì đó quá khó ở thời mà an ninh mạng chưa được chú trọng. HiêúPC không làm việc mà người giỏi nhất muốn làm. Hiếu đã đánh cắp những thông tin mà hacker tệ nhất cũng không muốn lấy”, một chuyên gia an ninh mạng cùng thời với HiêúPC nhận xét.
Bản thân Hiếu cũng thừa nhận điều này. Hiếu không nhận biết được tầm quan trọng của số an sinh xã hội ở Mỹ. Kết lại, bản án 40 năm mà Hiếu phải nhận là cái giá của sự bồng bột tuổi trẻ.
– Anh bắt đầu trở thành hacker như thế nào?
Lúc trước, nhà cũng có một chút điều kiện nên tôi được mua, lắp ráp máy tính để bàn. Hè năm lớp 8, tôi đi sâu vào mảng an ninh mạng và cảm thấy rất thích. Lớp 9 tôi bỏ nhà vào TP.HCM, ba tôi lo lắng quá cũng chuyển vào đi theo con. Học trường nào là tôi chuyển trường đó vì ham đam mê vi tính quá nên việc học đi xuống. Từ học sinh giỏi, tôi dần xuống hạng khá rồi trung bình. Đam mê máy tính quá nên tôi thường thức khuya. Đến lớp tôi chỉ biết copy bài bạn.
Đến năm lớp 10, tôi đã kiếm được khá nhiều tiền từ việc hack thẻ tín dụng ngân hàng rồi bán lại cho người khác. Học hết cấp ba, tôi đã có rất nhiều tiền. Lúc này tôi tự bỏ chi phí đi du học ở New Zealand để thay đổi môi trường và học thêm về mạng máy tính. Lúc ấy, tôi khao khát trở thành một kỹ sư mạng máy tính.
Nhưng qua đến New Zealand, tôi lại tiếp tục hack thẻ tín dụng. Tôi bán thông tin nhiều đến mức suýt nữa bị cảnh sát nước này bắt. Thời đó, tôi còn quá trẻ. Tôi chỉ nghĩ có tiền là được chứ không nghĩ đến tội lỗi. Kiếm được nhiều tiền từ những việc phi pháp, tính cách tôi lúc đó rất kiêu ngạo và suy nghĩ nông cạn.
– Anh hack liên tục nhiều năm như vậy mà không bị phát hiện sao?
Có chứ. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Cảnh sát New Zealand đã tìm ra tôi. Đầu tiên, họ gọi cho chị tôi ở Việt Nam thông báo việc có nhiều giao dịch bất chính liên quan đến tôi. Thời đó tôi rất ngô nghê, hack xong chuyển tiền về tài khoản tên mình ở Việt Nam. Tôi chỉ nghĩ việc mình làm là ăn cắp vặt, sẽ chẳng ai để ý đến.
Ngay sau cuộc gọi đó, tôi đã gom hết đồ điện tử trong nhà đem gửi chỗ khác. Bao nhiêu phôi thẻ tín dụng giả làm được tôi đi vứt vào thùng rác. Dù biết mình đang bị điều tra, tôi vẫn đi rút tiền, máy nuốt luôn thẻ, tôi bỏ chạy ngay sau đó. Mua vé máy bay và về thẳng Việt Nam.
May mắn là chính phủ New Zealand không quá mạnh tay với tôi. Họ chỉ yêu cầu tôi trả lại tiền cho nạn nhân. Nếu họ tiếp tục điều tra, có thể tôi đã ở tù ngay lúc đó.
– Sau khi trở về từ New Zealand anh làm gì?
Về Việt Nam, tôi nộp hồ sơ vào trường tài năng của Đại học Khoa học Tự nhiên. Học được gần 2 năm, tôi lại hack vào hệ thống của trường. Tôi lấy thông tin thầy cô, đề thi rồi cho lại bạn bè. Mọi thứ quá dễ dàng khiến tôi nghỉ học. Lúc đó tôi nghĩ rằng, mình hack có tiền thì đi học làm gì nữa?
Dù tôi từng hứa với cha mẹ không hack nữa. Nhưng một thời gian sau, bạn bè trong giới rủ rê tôi bắt đầu hack số an sinh xã hội vì có rất nhiều người muốn mua chúng.
Bán số an sinh xã hội kiếm được nhiều hơn hack thẻ tín dụng. Thẻ ngân hàng rất nguy hiểm vì liên quan tới tiền bạc và phải trực tiếp làm. Số an sinh xã hội lấy dễ dàng và bán mỗi thông tin 1 USD cho bên thứ ba. Những kiến thức hack do tôi tự nghiên cứu trên các diễn đàn thế giới ngầm của Nga.
Ban đầu nghĩ rất đơn giản. Nó không liên quan tới tiền bạc, không liên quan tới ngân hàng là không sao hết. Nhưng tôi chưa nhận thức được số an sinh xã hội quan trọng đến chừng nào. Tôi lấy được 200 triệu số an sinh xã hội và 3 triệu số đã được bán. Đến giờ, 3 triệu người đó vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi hành động của tôi.
Ví dụ, tôi mất số an sinh xã hội, mãi mãi tôi không thể lấy lại được. Số đó được dùng để mở thẻ tín dụng, vay trả góp, mua nhà, mua xe, cho con đi học, lấy tiền hoàn thuế, lấy tiền thất nghiệp… Mỗi thông tin quan trọng của một đời người như vậy bị tôi bán lấy 1 USD.
– Kiếm được nhiều tiền từ rất sớm như vậy có khiến anh hạnh phúc?
Tôi thấy đồng tiền mình kiếm được quá dễ. Tôi dùng tiền đó mua xe hơi, tổ chức các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Nhiều người nghĩ hacker chỉ ngồi cả ngày cạnh máy tính nhưng thật ra không phải.
Sau mỗi phi vụ, hacker chìm trong những cuộc chơi không đầu không cuối. Giờ nhìn lại, ngày đó tôi sống không có linh hồn, tôi chạy theo đồng tiền, tôi không phải là tôi. Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ không chọn cách sống đó.
– Cảnh sát Mỹ đã bắt anh như thế nào?
Ngày ra tòa, tôi được cho xem lại quá trình cảnh sát điều tra và bắt mình. Tập tài liệu ghi lại vụ án của tôi dày hàng trăm trang. Tôi rất bất ngờ vì không hiểu sao họ lại có toàn bộ mọi thứ về mình như vậy.
Thời đó, tôi thường lên các trang chuyên giấy tờ tòa án, thậm chí là FBI để tìm xem mình có thuộc diện truy nã hay tố giác chưa. Nhưng tôi đâu ngờ bản án của tôi bị giữ kín cho tới tháng 9/2013. Tức 7 tháng sau khi tôi bị bắt, cả thế giới mới biết đến vụ án của tôi.
Trong bản quá trình điều tra, họ đã tìm tôi từ năm 2010. Trước đó họ không biết tôi là ai. Tới năm 2012, họ mới biết chính xác tôi là Ngô Minh Hiếu. Các thông tin như email, nơi sinh sống mới được tìm ra.
Trước đó, mật vụ Mỹ đã cài chip hoặc phần mềm theo dõi vào laptop của bạn thân tôi, một ông trùm botnet ở Nga. Bất cứ những gì anh ta gõ, hình ảnh webcam đều được gửi về mật vụ. Từ đó, họ biết hết thông tin của tôi và toàn bộ những người từng mua bán thông tin với tôi.
Sau đó, mật vụ Mỹ đã khóa toàn bộ tài khoản, chặn các thông tin tôi hack được và thông báo cho các công ty cung cấp dữ liệu. Tôi không hoạt động được nữa nên sinh ra túng quẫn. Từ mỗi ngày tôi làm được 10.000 USD, giờ không có đồng nào.
Nắm được điểm yếu đó, cảnh sát Mỹ đã phối hợp với một người bạn của tôi. Người này đã bị bắt ở Anh trước đó. Theo lời cảnh sát, anh ấy dụ tôi sang đảo Guam. Người bạn đó hứa hẹn cung cấp cho tôi dữ liệu lớn về người dân Anh và Mỹ. Lúc ấy, tôi quá tham lam để có thể tỉnh táo. Cuối cùng, tôi bị bắt tại Guam và dẫn độ về Mỹ.
– Anh có thấy mình xứng đáng với mức án 40 năm tù?
Ban đầu tôi thấy mức án đó quá nặng với tôi. Lúc làm chuyện đó, tôi không biết việc mình làm gây ảnh hưởng lớn đến như vậy. Thậm chí, tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn và chịu ít năm tù hơn nếu tôi hiểu số an sinh xã hội hoạt động như thế nào.
Trong bản án, tội nặng nhất của tôi là gây tổn thất tiền thuế trong khi tôi không trực tiếp kiếm tiền từ việc đó. Tôi chưa từng nghĩ số an sinh xã hội quan trọng như vậy.
Người ta buộc tội tôi đồng lõa lấy hơn 68 triệu USD tiền thuế. Trong khi, tôi chỉ kiếm được tổng cộng 3 triệu USD.
Mỗi số an sinh xã hội tôi bán 1 USD. Những người mua về kiếm được hàng chục nghìn USD từ đó. Lúc ra tòa, tôi nói mình không chiếm đoạt số tiền lớn như vậy. Tòa nói, anh không bán thì sao những người mua lại số đó có được tiền?
Những người mua của tôi, họ kiếm tiền nhiều hơn tôi, có người kiếm 20 triệu USD nhưng lại ở ít năm tù hơn tôi 5-10 năm là tối đa. Luật Mỹ tính tội theo số lượng nạn nhân.
Khi ra tòa, tôi nhận được 13.000 lá thư tố cáo chỉ trong một thời gian ngắn. Trong ngày xét xử, tôi cảm thấy mình như một kẻ giết người hàng loạt. Lúc này tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc và hiểu 40 năm là xứng đáng với mình. Mức án cho sự thiếu hiểu biết.
– Điều gì khiến anh nhớ nhất trong thời gian lĩnh án?
Khi tôi ở tù tại Texas. Một người cảnh sát đến nói chuyện xã giao với tôi. Người đó cũng không biết về án của tôi như thế nào. Nhưng ông kể rằng mình có một người bạn rất tội, có chồng đi lính Iraq. Mới đây, cô ấy lại mất số an sinh xã hội không thể nhận trợ cấp, hoàn thuế…
Khi tôi nghe tới đó, tôi tưởng tượng như từ trời xanh có người muốn nói với tôi điều gì vậy. Hành động của tôi đã hủy hoại tài chính, gia đình của họ như thế nào. Tôi không chắc cô ta có phải nạn nhân của tôi hay không, nhưng điều đó khiến tôi nghĩ đến 3 triệu người đã vì tôi mà khổ sở. Trước khi tôi rời khỏi trại đó, tôi đã gửi lời xin lỗi đến bạn anh ta.
– Điều gì khiến anh chỉ phải ở tù 7 năm?
Bản án đầu tiên đưa ra cho tôi là 40 năm tù. Sau khi ở 2 năm, tôi cải tạo tốt, khai báo thành khẩn, nên được giảm án xuống 13 năm. Trong thời gian ở tù, tôi học thêm tâm lý học, marketing, quản lý kinh doanh, kỹ năng mềm, được hơn 25 chứng chỉ như vậy. Học càng nhiều, tôi càng được giảm án.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình cần học, cần sống tốt, cần làm lại cuộc đời. Tôi hoàn toàn không biết học tập sẽ giúp mình được giảm án. Tôi chỉ nghĩ là mình cần tích cực hơn thôi.
Bên cạnh đó, tôi còn đi chia sẻ kinh nghiệm sống, kể lại câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho hàng nghìn tù nhân khác. Điều này giúp bản án 13 năm được giảm thêm còn 7 năm.
Một ngày nọ, quản ngục gọi tên tôi và thông báo tôi được trả tự do. Tôi rất bất ngờ với thông tin đó và cảm thấy những cố gắng của mình đã được đền đáp.
– Làm sao anh có thể cập nhật kiến thức về an ninh mạng trong thời gian ở tù?
Khác với những gì mọi người nghĩ, trong tù tôi vẫn được đọc thêm các sách về an ninh mạng, tôi được dùng máy tính để gửi email, máy tính bảng Facetime với gia đình. Thậm chí tôi còn được học các khóa lập trình.
– Được sử dụng máy tính trong tù, anh có từng nghĩ sẽ hack nơi đó?
Đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi thôi. Nhưng tôi không dám, tôi sợ tự mình kéo dài thời gian về với gia đình.
– Anh nghĩ gì về hình tượng hacker trong các bộ phim?
Tôi không tin vào những tin tặc Robinhood, hack của người giàu chia cho người nghèo. Tôi nghĩ, mình vẫn có thể làm việc tốt và giúp được người nghèo cùng lúc.
Trong các bộ phim, nhà sản xuất thường thêm thắt cho cuộc sống hacker có màu sắc một tí. Chứ thực tế, hacker rất khác. Tôi nhớ, lúc nhỏ hay xem phim như vậy, tôi rất muốn thành hacker. Tôi nghe từ hacker ngầu quá. Tôi mở máy lên, vào CMD bấm chữ “hack” và enter nhưng không gì xảy ra cả. Sau này đi học mới biết mọi thứ không đơn giản như vậy.
Tôi từng nói chuyện với Anonymous. Nhóm này thường hack các trang lớn, truyền tải thông điệp, làm chính trị. Họ có thật nhưng khác với trên phim. Dù kỹ năng cao, nhiều người trong số họ vẫn bị bắt.
– Khi trở về Việt Nam, anh thấy không gian mạng có gì thay đổi?
Trước đây tôi không nghĩ mình sẽ dùng Facebook. Tôi không muốn chia sẻ thông tin cá nhân của mình quá nhiều trên mạng xã hội. Thế nhưng ngày về, tôi đã phải tạo Facebook. Đơn giản vì có người giả mạo tôi để lừa đảo bạn bè. Điều này khiến tôi khá sốc bởi thế hệ hacker của chúng tôi trước đây không làm vậy.
Trước đây hacker là sử dụng kỹ thuật và chia sẻ chúng cho cộng đồng. Bây giờ hacker tôi thấy toàn người bán dữ liệu chứ không chia sẻ nhiều về kỹ thuật. Tôi khá bất ngờ khi bây giờ họ bán cả thẻ tín dụng trên Facebook. Tôi nghĩ cộng đồng bây giờ đa phần không phải hacker mà nên được gọi là tricker, những người khai thác kẽ hở.
– Dự tính trong tương lai của anh là gì?
Trong thời gian tới, tôi sẽ chia sẻ cho người dùng về kiến thức an ninh mạng và nói với các bạn trẻ ngày nay đừng đi theo con đường tôi đã đi ngày xưa. Tôi muốn viết sách, xây dựng cộng đồng và đạo đức hacker.
Hai tháng sau ngày phỏng vấn HiêúPC, tôi gặp lại anh tại một quán cà phê ở quận 8. Khác với khi trở về từ Mỹ, Hiếu lúc này tràn đầy năng lượng tích cực và có nhiều chuyện để kể với tôi hơn. Hiếu tự hào thông báo có công việc mới.
“Trong thời gian tới, tôi kỳ vọng sẽ xây dựng được cộng đồng những người giỏi về an ninh mạng thông qua group Facebook ‘Nhận thức an ninh mạng cùng HieuPC’. Chúng tôi sẽ ở đây để bảo vệ an toàn cho người Việt trên môi trường Internet. Xa hơn, tôi nghĩ mình sẽ thành lập một công ty về giải pháp bảo mật. Tôi biết ơn xã hội này đã chấp nhận trao cơ hội để tôi làm lại cuộc đời”, Hiếu nói khi được tôi đưa về nhà bằng xe máy, phương tiện hơn 7 năm rồi anh chưa ngồi.
Xem thêm các bài viết của Mai Bá Phúc: