Công việc đầu tiên được đánh giá vô cùng quan trọng, vì sẽ hình thành suy nghĩ, tác phong và thái độ đi làm của mỗi chúng ta sau này.
Tuy nhiên có một thực tế là tại Việt Nam hiện nay, nhiều người trẻ đang chọn những công việc đầu tiên rất hời hợt và dễ dãi. Áp lực so sánh với bạn bè, áp lực sớm kiếm được tiền để bố mẹ yên tâm, để không cảm giác mình kém cỏi,… khiến giới trẻ chọn việc với suy nghĩ đơn giản: Không được thì đổi việc khác.
“Đó là suy nghĩ cực kỳ độc hại. Chưa biết công việc đó bạn sẽ làm thế nào, lương cao hay thấp, gắn bó bao lâu nhưng nó sẽ hình thành định nghĩa của các bạn về sếp, về đồng nghiệp, về tác phong đi làm và thái độ với công việc. Đây là điều có khi sẽ theo bạn trong cả quãng đường sự nghiệp sau này. Vì vậy tôi luôn khuyên học viên cần chậm lại một nhịp, cân nhắc kỹ để thu được trải nghiệm sâu sắc từ công việc đầu tiên”, anh Nguyễn Hữu Trí, CEO Awake Your Power, chia sẻ trong vlog đăng trên Youtube cá nhân của mình.
Theo anh Trí, với những người mới ra trường, nếu không quá chịu áp lực về tài chính, đừng đặt nặng yếu tố tiền lương khi tìm kiếm công việc đầu tiên. Bởi ở thời điểm ấy, bạn chưa có kinh nghiệm, bản lĩnh, chưa có hiểu biết thị trường, nếu cứ nhắm phải đi tìm lương cao sẽ rất khó có việc. Thay vào đó, vị chuyên gia khuyên sinh viên mới tốt nghiệp nên chú ý đến 3 yếu tố quan trọng sau.
1. Sếp trực tiếp
Giới chuyên gia trong ngành nhân sự thường chia sẻ một thống kê sau: 85% trường hợp nhân viên xin nghỉ việc là vì sếp trực tiếp. Anh Trí ví von sếp trực tiếp cũng giống như “cha mẹ”, nhưng điều tuyệt vời là bạn được chọn “cha mẹ” cho mình.
Sếp trực tiếp sẽ là người giao tiếp với bạn nhiều nhất, dạy bạn từ tác phong, tới cách làm việc, quy trình, cách cư xử với đồng nghiệp,… và cũng là người sẽ bảo vệ nếu bạn không may mắc lỗi. Vì vậy tìm được người sếp thực sự có bản lĩnh, năng lực để đi theo thì bạn sẽ trưởng thành rất nhanh.
“Vậy nên yếu tố quan trọng đầu tiên khi lựa chọn công việc chính là sếp trực tiếp của bạn là ai. Đây là yếu tố không nhiều người để ý tới”, vị chuyên gia nhìn nhận.
Theo đó, anh Trí gợi ý để biết thế nào là người sếp phù hợp với mình, trong buổi phỏng vấn, ứng viên nên trò chuyện cởi mở, chủ động kết nối thay vì chỉ ở thế bị động, nhà tuyển dụng hỏi gì trả lời đấy. Ví dụ ứng viên có thể hỏi người sếp trực tiếp quản lý bộ phận xem người ấy làm việc trong công ty được bao lâu, hứng thú với vấn đề gì, nếu làm việc cùng thì họ mong đợi gì ở nhân viên, họ thích điều gì trong văn hóa công ty,…
“Hãy trò chuyện cởi mở để xem trong vòng 10-15 phút ấy, bạn có kết nối được với họ không. Nếu không thể kết nối trò chuyện thì kể cả có nhận được việc, những tháng đi làm sau này của bạn cũng không khác gì địa ngục”, vị chuyên gia cảnh báo.
2. Văn hóa công ty
Văn hóa công ty là yếu tố sẽ thấm vào người từng cá nhân sau một thời gian làm việc. Nếu ở trong công ty có văn hóa chỉn chu, chặt chẽ thì sau một thời gian con người bạn cũng phép tắc, chỉn chu. Hoặc nếu công ty có văn hóa cởi mở, gần gũi thì sau đó bạn cũng hình thành cách cư xử kiểu cởi mở, gần gũi. Ngược lại, nếu văn hóa doanh nghiệp là độc hại, thù địch, cạnh tranh, chèn ép, bất chấp thủ đoạn để lôi kéo khách hàng,… thì sau thời gian sinh tồn trong môi trường ấy, con người bạn cũng trở nên độc hại theo.
Vì vậy, CEO Nguyễn Hữu trí cho rằng cần phải tìm hiểu văn hóa công ty, văn hóa của đội nhóm trước khi xác định vào làm. Hoạt động này có thể mất 1 tuần, 10 ngày nhưng giá trị đem lại vô cùng sâu sắc.
“Khi đầu tư chứng khoán, chúng ta phải phân tích rất nhiều rồi mới quyết định có đổ tiền vào một doanh nghiệp hay không. Vậy hãy dành nỗ lực gấp 3 lần để tìm hiểu một công ty trước khi đầu tư thanh xuân vào đó. Mua chứng khoán bạn bỏ tiền vào là xong nhưng nhận công việc là bạn phải trò chuyện, ăn ở, thể hiện bản thân trong 8,10, 12 tiếng mỗi ngày. Phải thật sự tìm hiểu, nỗ lực trước khi quyết định đổ thanh xuân của mình vào một môi trường nào đó”.
Anh Trí cũng gợi ý để xác định yếu tố này, có thể xem nhiều yếu tố như cách hành xử của doanh nghiệp với khách hàng, chủ doanh nghiệp là ai, họ phát triển qua những giai đoạn nào, triết lý kinh doanh là gì,….hoặc hỏi trực tiếp người thân, bạn bè đã từng làm tại công ty đó.
3. Kích cỡ doanh nghiệp và đội nhóm
Không phải công ty lớn với lịch sử vài chục năm thành lập mới là tốt. Thay vào đó, bạn cần cân nhắc xem cá tính, sự ưu tiên và định hướng trong sự nghiệp của mình là gì. Khi đó bạn sẽ biết bạn phù hợp với đội nhóm nhỏ, linh hoạt hay đội nhóm lớn, có quy củ chặt chẽ.
“Nếu các bạn muốn đi sâu vào sản phẩm, dịch vụ, chuyên môn thì làm trong công ty lớn là điểm cộng. Ngược lại muốn phát huy sự linh hoạt, sáng tạo, khả năng chịu trách nhiệm và được thể hiện cái tôi thì môi trường nhỏ, công ty linh hoạt, thiện chiến là môi trường tích cực hơn”, CEO Nguyễn Hứu Trí cho biết.
Xem thêm các bài viết của Mai Bá Phúc:
- Người Sở Hữu Đủ 4 Đặc Điểm Sau, Cuộc Đời Tự Nhiên Suôn Sẻ, Đi Đâu Cũng Có Quý Nhân Giúp Sức
- Thế Giới Của Người Lớn Chưa Bao Giờ Là Dễ Dàng Cả: Khi Thất Bại, Khó Khăn, Tuyệt Đối Đừng Để Mình Nhàn Rỗi
- Thành Công, Rất Đơn Giản, Cứ Tiến Về Phía Trước, Là Bạn Thắng Rồi: Đáng Sợ Hơn Cả Không Cầu Tiến Là Giả Vờ Nỗ Lực Và Sống Theo Con Mắt Của Người Khác