“Không có gì bảo đảm Amazon.com vẫn tiếp tục là một công ty thành công. Cái chúng tôi đang cố thực hiện để duy trì sự thành công là… rất phức tạp!” – Jeff Bezos bộc bạch trong năm 1999, chỉ 5 năm sau khi công ty kinh doanh trực tuyến của ông chào đời. Việc nhà sáng lập Amazon không chắc chắn lắm về thành công của công ty khiến nhiều người ngạc nhiên nếu nhìn vào bước nhảy vọt ngoạn mục của nó.
Trong 5 năm đầu, số khách hàng đăng ký của Amazon tăng từ 180.000 đến 17 triệu. Doanh thu tăng từ 511.000 USD đến 1,6 tỉ USD. Dù Bezos xem Amazon là “màn cá cược lớn và lộ trình không an toàn”, nhưng khoản đầu tư 100.000 USD tiền cá nhân và vay gia đình đã thu hồi nhanh chóng. Chỉ sau một tháng ra đời, Amazon đã ship hàng đến 50 bang của nước Mỹ và 45 quốc gia.
Thực tế là 25 năm sau khi chào đời, Amazon đã trở thành một trong những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán có giá trị nhất thế giới và Bezos từng trở thành người giàu nhất thế giới, soán ngôi nhiều tên tuổi khác nhờ “phát minh” của mình.
Khởi nghiệp là công ty bán lẻ sách trên mạng, Amazon đã vươn vai để trở thành người khổng lồ với số người đăng ký tham gia, với lượng hàng hoá đa dạng bán ra và đặc biệt là có trong tay những công cụ thông minh bản quyền và hệ thống giao hàng ngày càng rút ngắn thời gian đến tay người mua: thường không 1 giờ ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Cách đế chế Amazon xây dựng và phát triển đã mang lại kết quả tài chính khổng lồ và đáng khâm phục. Thiên tài của Bezos là ở chỗ ông sớm nhận thấy tiềm năng của Internet trong kinh doanh bán lẻ trước những người khác. Amazon là giải pháp thay thế cho cách bán hàng truyền thống. Trưng bày giới thiệu hàng trên mạng thay cho các cửa hàng “vôi vữa”.
Người mua ngồi trước màn hình thay vì đến tận nơi. Sáng kiến đã được chuyển thành tiền, rất nhiều tiền. Năm 1997, Amazon ra thị trường chứng khoán và huy động được 54 triệu USD, biến Bezos thành tỉ phú USD ở tuổi 35. Năm ngoái, Amazon trở thành công ty lớn thứ 3 thế giới đạt giá trị vốn hoá 1.000 tỉ USD trên sàn chứng khoán, chỉ thua Microsoft. Sự thành công của Amazon được thể hiện trong doanh thu với dự báo năm 2019 sẽ phá kỷ lục 275,06 tỉ USD và có khả năng vượt qua 320 tỉ USD vào cuối năm 2020.
Sự thành công của Bezos được đẩy nhanh hơn bằng sự mở rộng bán lẻ toàn cầu và lấn sân sang những lĩnh vực kinh doanh khác. Các dịch vụ video trực tuyến, công cụ thông minh, các dịch vụ đám mây (cloud service) và những “thâu tóm” mới (ví dụ vụ mua lại Whole Foods Market) đã cho phép Amazon cạnh tranh trực tiếp với những người khổng lồ công nghệ Facebook, Apple, Google và Netflix.
Thành công tiếp nối thành công
Điều thú vị, thành công vang dội của Bezos khởi đầu bằng việc bán sách trên mạng! “Khi chúng tôi bắt đầu bán sách cách nay 4 năm, nhiều người nói ‘các bạn là dân máy tính nên không thể rành nghệ thuật bán sách!’. Họ nói đúng” – Jeff Bezos nhớ lại.
Tuy nhiên, không gian chứa hàng khổng lồ công ty có vào lúc đó tại Mỹ đã giúp Amazon trở thành đầu tầu trong hoạt động bán sách và cho phép công ty cung cấp rất nhiều thể loại sách khác nhau so với các nhà sách “vôi vữa” khác. Sau đó, khi sách điện tử (ebook) ra đời, Amazon không để mất cơ hội và lại dẫn đầu trong thị trường mới này. Năm 1999, Amazon trở thành hệ thống bán hàng trên mạng lớn nhất thế giới.
Đến cuối thập niên 1990, Amazon quyết định bán thêm âm nhạc và đĩa DVD. Chẳng bao lâu, đế chế của Bezos lấn sân sang đồ điện tử, đồ chơi và dụng cụ nhà bếp. Hệ thống nhà kho Mỹ phát triển đã giúp mở rộng các mục tiêu mới của công ty và cái tên Amazon ngày càng trở thành quen thuộc với người tiêu dùng. 10 năm sau ngày thành lập, Amazon đã trở thành công ty bán hàng trên mạng lớn nhất nước Mỹ và thế giới.
Theo sau việc ra mắt Amazon Marketplace vào năm 2000 với hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ tham gia, Amazon phải cải tiến hệ thống giao hàng để đáp ứng số người mua tăng mạnh. Năm 2005, Amazon mở dịch vụ Amazon Prime. Các thành viên tham gia sẽ được chuyển hàng nhanh hơn, kể cả video và nhạc trực tuyến. Sáng kiến này giúp tăng doanh số bán của mọi loại hàng hoá.
Đến nay Amazon Prime đã có hơn 100 triệu người đăng ký. Năm 2007, khi ebook bắt đầu phổ biến, Amazon bán sản phầm riêng đầu tiên mang cầu chứng của nó. Đó là thiết bị đọc sách The Kindle và cũng là tiên phong trong lĩnh vực này. Amazon không bao giờ “phụ bạc” hoạt động bán sách. Đầu thập niên 2010, Amazon bắt đầu phát triển mạnh các công cụ thông minh và trở thành đối thủ đáng gờm của Apple và Google.
Amazon là công ty đầu tiên đưa ra thị trường loa thông minh Echo được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) Alexa của công ty và nhanh chóng trở thành công cụ thông minh bán chạy thứ 3 tại Mỹ. Hôm nay, tương lai của Amazon còn phụ thuộc vào nhiều cái khác thay vì chỉ bán hàng trên internet. Nửa năm cuối 2018 là thời gian khó khăn cho công ty khi giá trị thị trường của nó rơi trở lại dưới 1.000 tỉ USD.
Đã thống trị thành công thị trường bán lẻ, công ty có mục tiêu mở rộng thêm các dịch vụ khác mà bất ngờ nhất là các cửa hàng sách kiểu cũ để thêm chọn lựa cho người mua. Hãy chờ xem Amazon có thoát ra khỏi bế tắc để phát triển tiếp hay sẽ thoái bộ trong vài năm nữa trước các đối thủ cạnh tranh. Amazon hiện đang đối mặt với các chỉ trích về môi trường làm việc không tốt lắm tại các kho nhập xuất hàng khổng lồ.
Có cha mẹ ly hôn từ lúc còn bé, Bezos lớn lên tại Texas và Florida với người mẹ tên Jackie và cha dượng tên Mike Bezos thuộc ban lãnh dạo công ty xăng dầu Exxon có gốc Cuba. Khi còn bé, ông thường đến trang trại của ông bà nội ở Texas và biết cả cách chủng ngừa cho bò. Trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Princeton (nơi ông học kỹ thuật và khoa học máy tính) năm 2010, ông cho biết cũng thích tính toán chi tiêu trong gia đình và ước tính phải mất 9 năm bỏ hút thuốc khói thuốc mới ra hết cơ thể ông bà nội.
Có thể bạn chưa biết về Jeff Bezos
Năm 2017, Jeff Bezos có lúc vượt Bill Gates của Microsoft trên danh sách tỉ phú của Forbes để trở thành người giàu nhất thế giới với sản nghiệp 91,4 tỉ USD, trước khi ông ly dị và phải chia tài sản cho vợ. Bezos, 53 tuổi hiện sở hữu 17% cổ phần trong Amazon, ngoài lợi nhuận thu được từ các doanh nghiệp khác. Công ty của ông vẫn làm tốt hơn công ty Facebook của Mark Zuckerberg, 33 tuổi, người từng giàu thứ 5 thế giới. Có 5 điều về Bezos có thể bạn chưa biết:
1. Chi tiêu hào phóng
Theo tờ The Washington Post, đầu năm 2017, Bezos trả 23 triệu USD để mua một bảo tàng vải sợi cũ tại Washington D.C. và cải tạo thành ngôi nhà gia đình, láng giềng của các tên tuổi lớn như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vợ chồng Jared Kushner-Ivanka Trump, ái nữ của Tổng thống Donald Trump.
Năm 2013, Bezos mua tờ The Washington Post bằng tiền riêng 250 triệu USD. Gia đình Bezos còn có nhà ở Seattle và Beverly Hills. Nhưng đầu tư địa ốc của Bezos chẳng nhằm nhò gì so với đầu tư vào khoa học. Ông cho biết bán 1 tỉ USD cổ phiếu mỗi năm để tăng vốn cho dự án kinh doanh du lịch không gian Blue Origin.
2. Nhà từ thiện bắt đầu bằng…chuối!
Một hôm, Bezos nảy ra ý tưởng phát chuối miễn phí cho những người qua đường tại thành phố Seattle (bang Washington), nơi đặt trụ sở chính của Amazon. Có khoảng 4.500 người được thụ hưởng mỗi ngày.
Nhưng hàng triệu USD gia đình ông bỏ ra cho từ thiện không đủ để dập tắt những chỉ trích là “quá ít ỏi” so với các tỉ phú khác như Bill Gates, Mark Zuckerberg và 169 người giàu khác. Họ hứa đóng góp phân nửa sản nghiệp cho các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận. Nay, cả hai vợ chồng Bezos đã cùng lên con tàu với các tỉ phú khác
3. Anh của Bezos là một anh hùng thực sự
Đó là Mark Bezos, người từ nhân viên quảng cáo chuyển sang làm việc cho tổ chức chống nghèo Robin Hood trụ sở tại New York. Ông còn là tình nguyện viên cứu hoả. Năm 2011, trên trang TED Talk, Mark lần đầu tiên nói về công việc này từ lúc bắt đầu. Ông kể lại là có một phụ nữ năn nỉ ông cứu con chó đi lạc trong đám cháy, nhưng không thành công mà chỉ cứu được…đôi giày! “Tuy nhiên, tôi vẫn nhận được lời cảm ơn bằng cả trái tim” – ông nói.
4. Trong trang phục người ngoài trái đất Trekkie
Một trong những lợi thế của người siêu giàu là họ có dư tiền để thoả mãn trí tưởng tượng của mình. Trong trường hợp Bezos là điện ảnh. Từng hâm mộ từ lâu loạt phim khoa học giả tưởng liên hành tinh Star Trek, ông đã vận động được một vai nhỏ trong tập mới của nó. Nhưng khán giả hầu như không thể thấy Bezos trong phim vì ông hoá trang trong lớp mặt nạ nhăn nhúm và mặc trang phục người ngoài hành tinh Trekkie.
5. Thích mơ mộng khi nhìn lên bầu trời xanh
Bezos thuộc số người có tầm nhìn nghiêm túc về tương lai trong không gian. Từ lúc bé ông đã nghĩ về khách sạn không gian, công viên giải trí không gian và các thành phố quay quanh trái đất. Nhưng giấc mơ của Bezos không dừng ở đó mà ngày càng lớn hơn.
Ông có những đôi giày mang logo công ty không gian Blue Origin do mình sáng lập. “Tôi muốn một ngày nào đó sẽ có hàng triệu người sống và làm việc trong không gian. Tôi muốn có một nền văn minh không gian” – Bezos bộc bạch trong bài phát biểu tốt nghiệp trung học. Ông tiên đoán trong vài trăm năm tới chúng ta sẽ đưa ngành công nghiệp nặng ra khỏi trái đất, khai mỏ và tạo ra năng trượng trong không gian để trái đất là “nơi có môi trường an toàn để sống và vui chơi”.
Dĩ nhiên, Bezos cũng sẽ thuộc số dân thường đầu tiên vào không gian khi dự án Blue Origin của ông hoàn tất dù khẩu hiệu của Blue Origin không hề có sự vội vã: “Gradatim Ferociter” (tiếng La tinh cho Step by Step, Ferociously).
Nguồn: Doanh Nhân Plus
>> Xem thêm: