7 cách tư duy giúp ra quyết định sáng suốt - Mai Ba Phuc

7 cách tư duy giúp ra quyết định sáng suốt

Người thông minh, thành công dùng 7 cách tư duy dưới đây để đánh giá, đo lường tác động giúp họ sáng suốt hơn trong việc ra quyết định của mình.

1. Quy tắc 10/10/10: Ngắn hạn và dài hạn

Đa số chúng ta đều mắc lỗi trong việc đưa ra quyết định do không nghĩ tới hậu quả, tác động lâu dài của nó. Suzy Welch – tác giả quyển sách 10-10-10 đưa ra một mô hình tư duy giúp giải quyết những khó khăn trong cuộc sống lẫn công việc. Quy tắc 10-10-10 được dùng để đánh giá tác động của hành vi hiện tại đối với tương lai. Hãy đặt những câu hỏi:

– Với quyết định này, bạn sẽ cảm thấy như thế nào sau 10 phút nữa?

– Thế còn 10 tháng nữa thì sao?

– Và 10 năm nữa sẽ như thế nào?

Quy tắc 10-10-10 giúp bạn suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề đang đối mặt. Một vài thứ có thể tiêu cực tại thời điểm hiện tại nhưng qua thời gian bạn nhận ra rằng nó lại là điều tốt đối với bạn.

Rất dễ dàng để đưa ra những quyết định ngắn hạn, điều có thể mang lại lợi ích trong 10 phút hay 10 tháng nữa, nhưng kiểu quyết định này thường không mang lại lợi ích cho chúng ta về lâu dài. Điều khó khăn là bạn phải đưa ra những quyết định dù không thoải mái ở hiện tại nhưng mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của bạn.

2. Tìm kiếm những người hâm mộ đích thực

“Người hâm mộ đích thực được hiểu là người sẵn sàng mua bất cứ thứ gì mà bạn bán. Họ vượt 200 dặm chỉ để nghe giọng hát của bạn. Họ sẽ mua album của bạn được phát hành lại với âm thanh có độ phân giải cao hơn. Họ còn sử dụng dịch vụ Google Alert – giúp cập nhật những thông tin mới nhất về bạn. Họ là những người hâm mộ đích thực” – Kevin Kelly, kỹ sư công nghệ, người sáng lập tạp chí Wired định nghĩa.

Công nghệ hiện đại và mạng xã hội cho phép một người có thể xây dựng cộng đồng người hâm mộ đích thực cho mình. Tuy nhiên, thay vì sáng tạo một bài viết, sản phẩm, bày tỏ quan điểm… để làm hài lòng số đông, bạn nên quyết định làm tốt một điều nào đó mang màu sắc và dấu ấn của bạn, khiến giá trị của bạn được công nhận.

Tương tự, thay vì doanh nghiệp cố gắng thu hút thật nhiều khách hàng thì chỉ cần phát huy những thứ tốt nhất, khiến sản phẩm, dịch vụ nổi bật và đặc biệt để tìm kiếm những “người hâm mộ đích thực” – những khách hàng sẵn sàng trả tiền mua sản phẩm của bạn. Những người hâm mộ thực sự sẽ giúp sự nghiệp của bạn có sự đột phá và dễ thành công hơn.

Áp dụng theo mô hình “Người hâm mộ đích thực” cho các mối quan hệ cá nhân và trong công việc sẽ giúp bạn cân nhắc và đánh giá khách quan cách bạn đang tiếp cận với những mối quan hệ.

3. Luật Pareto: Làm việc ít hơn nhưng hiệu quả hơn

Luật Pareto đến từ Vilfredo Pareto, một chuyên gia kinh tế người Ý, cho rằng 80% của cải và đất đai được nắm giữ bởi 20% dân số. Định luật này dần mở rộng ra các lĩnh vực khác. Ví dụ: 80% chi phí đến từ 20% của nguồn lực, 80% lợi nhuận đến từ 20% khách hàng, hay 80% hạnh phúc đến từ 20% những người xung quanh.

Tương tự như vậy, 80% công việc được giải quyết chỉ với 20% thời gian, công sức bạn đầu tư cho nó. Bạn cần xây dựng mình trở thành người làm việc hiệu suất thay vì trở thành người bận rộn, đầu tư quá nhiều thời gian vào công việc mà không thực sự mang lại hiệu quả nào. Phương pháp làm ít việc, hiệu quả cao được hướng dẫn trong quyển 4 giờ làm việc một tuần của Tim Ferriss – một trong những quyển sách bán chạy nhất của New York Times.

4. Giảm thiểu sự hối hận

Khi Jeff Bezos đứng trước lựa chọn công việc ổn định tại quỹ Hedge hay bỏ việc để khởi nghiệp với Amazon, ông đã áp dụng lối tư duy “giảm thiểu sự hối hận”.

CEO của Amazon giải thích: “Nếu bạn có thể đề ra kế hoạch cuộc đời đến lúc bạn 80 tuổi, nó sẽ giúp bạn thoát khỏi những mớ suy nghĩ hỗn độn hằng ngày. Có những quyết định trong ngắn hạn có thể làm bạn bối rối, nhưng nếu bạn nghĩ về kết quả lâu dài, bạn có thể đưa ra những quyết định tuyệt vời mà bạn không bao giờ hối hận”.

Tư duy “Giảm thiểu hối hận” của Bezos được áp dụng cho bất cứ ai mong muốn có sự thăng tiến vượt bậc trong cuộc sống và nghề nghiệp của mình.

5. Phân bổ thời gian

Dwight Eisenhower – Tổng thống thứ 34 của Mỹ là người nổi tiếng có lối sống và làm việc hiệu quả. Trong nhiệm kỳ Tổng thống, ông đã đưa ra nhiều cải tiến vượt bậc như xây dựng hệ thống xa lộ liên tiểu bang năm 1956, thông qua đạo luật dân sự năm 1960 nhằm cải thiện việc người da đen bị gây khó khăn khi đi bầu cử, tiến hành kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 -1953) và duy trì hòa bình tại Mỹ trong suốt thời gian ông tại vị.

Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp của Dwight Eisenhower đến từ phương pháp quản lý thời gian, kỹ năng ra quyết định, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mô hình tư duy Eisenhower Matrix. Theo đó, bất cứ khi nào ông phải đối mặt với một quyết định, ông phân loại nó vào 1 trong 4 nhóm: Cấp bách và quan trọng (những công việc phải làm ngay lập tức); Quan trọng, nhưng không khẩn cấp (lên lịch làm sau); Khẩn cấp, nhưng không quan trọng (ủy thác cho người khác); Không khẩn cấp cũng không quan trọng (các công việc mà bạn sẽ loại bỏ).

Theo Stephen Covey, tác giả cuốn sách bán chạy 7 thói quen của người thành đạt, chúng ta nên dành phần lớn thời gian của chúng ta vào những việc thuộc nhóm “quan trọng, nhưng không khẩn cấp”.

6. Luật Parkinson: Tiết kiệm thời gian

Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm hết thời gian bạn ấn định cho nó. Định luật Parkinson nói rằng nếu bạn dành 3 giờ cho một công việc lẽ ra chỉ cần 1 giờ để làm, bạn sẽ tự động trì trệ đến 3 giờ mới có thể hoàn thành nó. Vì thế, để làm việc hiệu quả hơn, bạn cần khắt khe với quỹ thời gian của mình. Thay vì cho bản thân một tuần để hoàn thành toàn bộ dự án, hãy chia nhỏ công việc ra và đặt deadline cho từng nhiệm vụ.

7. Nâng cao năng lực bằng ý chí

Những người thành công, từ vận động viên nổi tiếng đến chủ doanh nghiệp lớn, là những người biết phát huy năng lực, thế mạnh bản thân. Bạn phải tìm ra năng khiếu của mình là gì. Nếu bạn tham gia trò chơi thuộc sở trường của người khác, bạn sẽ thua. Bạn phải khám phá ra đâu là điều bạn có lợi thế nhất và làm chủ cuộc chơi với năng lực của mình.

Mọi thành công đều bắt nguồn từ sự rèn luyện chăm chỉ và bền bỉ. Vì thế, để nâng cao năng lực, bạn cần kiên trì trong thời gian dài với ý chí mạnh mẽ, đồng thời đừng bao giờ ngại nói “Tôi không biết” để sẵn sàng tiếp nhận thêm nhiều kiến thức mới.

>>> Xem thêm:

Call Now